Ngày 27/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham dự phiên họp có các Phó thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Theo chương trình, phiên họp cho ý kiến về 5 nội dung: (1) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông; (2) Một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (3) Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); (4) Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); (5) Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, đã được chúng ta tích cực thúc đẩy trong nhiệm kỳ này. Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật này nhằm đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các chính sách mới liên quan một số luật.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc, đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã rất quyết liệt trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật trong năm 2022 và đây là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 3 năm 2023.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là việc lớn, quan trọng, có nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, nhiều vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, các thành viên Chính phủ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành thời gian góp ý vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt công việc này thì tới đây phải tiếp tục làm tốt hơn nữa. Thực tế, các bộ, ngành nào, bộ trưởng, trưởng ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát tình hình, quan tâm công tác này thì công việc trôi chảy, tiến độ và chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được bảo đảm.
Sắp tới, công việc ngày càng nhiều khi thực tiễn diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng từ lâu, có những văn bản mới xây dựng nhưng thực tiễn đã vượt qua, nên phải rà soát, bám sát thực tiễn, điều chỉnh kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp điều kiện đất nước và tình hình từng giai đoạn, nhất là giai đoạn có nhiều khó khăn hiện nay, tạo động lực, xung lực, cảm hứng để các cơ quan thực hiện tốt, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nếu chưa kiện toàn bộ phận chủ trì nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế thì phải quan tâm kiện toàn, bố trí nguồn lực, con người, thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác này. Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao, bảo đảm chất lượng thẩm định các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội. Các bộ, ngành khi được hỏi ý kiến phải bảo đảm việc góp ý bảo đảm tiến độ và thực sự chất lượng. Nội dung này đã được Chính phủ, Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương; cần quán triệt và chủ động, tích cực hơn nữa.
“Không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu trước mắt, cần tập trung thực hiện xây dựng, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và các dự án, dự thảo văn bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.