Tết Nguyên Đán: Nguồn gốc, ý nghĩa và những phong tục của người Việt

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.

Dường như, trong mỗi chúng ta, ai ai cũng đều biết rằng Tết Nguyên đán chính là một trong những kỳ nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất của đất nước Việt Nam từ xưa đến giờ và nó luôn mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc sâu sắc, độc đáo.

Tết Nguyên Đán là gì?

Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam. Tết Nguyên Đán được người Việt Nam gọi với cái tên rất thân thương “Tết Ta”, là để phân biệt với “Tết Tây” (Tết Dương lịch).

“Tết” là cách đọc âm Hán – Việt của chữ “tiết”, “nguyên” theo chữ Hán có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.

Nhưng cũng có những thuyết cho rằng: văn hóa Việt – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia thời gian trong 1 năm thành 24 tiết khác nhau và ứng với mỗi tiết này đều có một thời khắc “giao thời” trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, chính là Tiết Nguyên đán.

Rồi về sau, do sự phát triển vượt bậc của ngôn ngữ nên chữ “tiết” được Việt hóa thành “Tết” và hình thành nên tên gọi Tết Nguyên đán như ngày nay.

Thời gian Tết Nguyên Đán được tính như thế nào?

Tết Nguyên Đán của Việt Nam được tính theo Âm lịch, muộn hơn Tết Dương lịch (hay Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21/01 Dương lịch và sau ngày 19/02 Dương lịch mà thường chỉ rơi vào khoảng giữa những ngày này.

Thời gian diễn ra Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 – 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Tết Nguyên Đán: Nguồn gốc, ý nghĩa và những phong tục của người Việt

Cách tính lịch âm của người Việt Nam có khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên Đán của người Việt Nam không hoàn toàn trùng với Tết của người Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc khác.

Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán

Nhắc đến nguồn gốc của Tết Nguyên Đán thì có rất nhiều quan điểm, thông tin khác nhau về sự ra đời của dịp Tết cổ truyền này

Theo lịch sử, do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hoa Trung Quốc trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, Tết Nguyên Đán cũng là một trong những nét văn hóa được du nhập trong thời điểm đó. Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ “tạo thiên lập địa” như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Đến thời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.

Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày Mồng một cho đến hết ngày mồng Bảy.

Tuy nhiên xét theo sự tích “Bánh chưng bánh dày” thì người Việt đã ăn Tết từ thời vua Hùng, tức là trước cả khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc. Cho tới nay thì Tết Nguyên Đán có nguồn gốc như thế nào đến nay vẫn còn là vấn đề đang được tranh cãi.

Ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán

Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa,… Theo quan niệm phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần với thần linh.

Tết Nguyên Đán xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,… và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Mà thiêng liêng hơn cả đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.

Tết Nguyên đán với ý nghĩa sâu xa và mang tính thiêng, trang trọng là tiễn đưa năm cũ, chào đón, chúc tụng năm mới sức khỏe con người tốt hơn, sinh kế khá hơn, hạnh phúc cá nhân – gia đình bền vững hơn và khởi đầu từ ý thức hệ nông nghiệp, sau dần tỏa rộng trong đời sống con người toàn xã hội, song vẫn mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp.

Người Việt cho rằng, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết Nguyên đán. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững.

Người ta tin rằng, vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ để chứng kiến lòng thành của con cháu, và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng. Đó là ý nghĩa tâm linh của Tết Nguyên đán.

Một số phong tục ngày Tết của người Việt Nam

Là một dịp quan trọng và ý nghĩa, chính vì vậy ngày Tết có rất nhiều phong tục mang giá trị văn hóa lớn. Dưới đây là những phong tục ngày Tết mà bạn nên nắm rõ:

Cúng ông công, ông táo ngày Tết Nguyên Đán

Một trong những việc quan trọng của người Việt vào dịp tết là cúng ông công, ông táo vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Vào ngày này, các gia đình sẽ cùng nhau làm lễ tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời để báo cáo những việc làm của gia chủ trong một năm với Ngọc Hoàng.

Phong tục cúng ông Công, ông Táo từ lâu đã ăn sâu vào nét văn hóa của người Việt và trở thành thói quen khó bỏ, lưu truyền đến đời đời sau. Theo đó, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mọi người thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, không gian bếp gọn gàng, nấu mâm cỗ thịnh soạn để các ngài thụ hưởng. Đặc biệt không thể thiếu là các chú cá vàng để làm phương tiện cho ông Công, ông Táo bay về trời.

Gói bánh chưng

Bánh chưng là một trong những thứ không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền của người Việt. Bởi nó mang nhiều ý nghĩa đặc biệt thể hiện lòng biết ơn của con cháu với ông cha và với đất trời.

Tết Nguyên Đán: Nguồn gốc, ý nghĩa và những phong tục của người Việt

Nguyên liệu để làm bánh chưng rất dễ tìm kiếm gồm: gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, lá dong. Dưới bàn tay đầy nghệ thuật của con cháu được hướng dẫn qua nhiều thế hệ, những chiếc bánh chưng trở nên đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Bánh chưng còn là món quà người ta dùng để dành tặng cho người thân, bạn bè của mình trong dịp đặc biệt này.

Việc gói bánh chưng ngày tết đã gắn liền với hầu hết đại gia đình Việt. Đây là cơ hội để các thành viên trong gia đình thêm gắn kết hơn. Bánh sau khi gói phải đem luộc ít nhất 6 tiếng mới chín kỹ. Trong không khí se se lạnh của tiết trời mùa Xuân, việc cùng ngồi quây quần bên gia đình canh nồi bánh chưng nóng hổi quả là điều quá tuyệt vời. Đó cũng chính là một phần tuổi thơ của rất nhiều thế hệ người Việt.

Lau dọn nhà cửa sạch sẽ

Để đón một cái tết trọn vẹn, tươm tất, người dân Việt Nam thường có tục lệ dọn dẹp nhà cửa, đồ vật sạch sẽ. Việc làm này không chỉ đem lại không khí trang hoàng cho ngôi nhà mà còn có ý nghĩa sắp xếp lại những điều chưa ổn của năm cũ để chào đón năm mới thịnh vượng hơn.

Từ phòng khách cho đến phòng bếp, khắp mọi nơi của ngôi nhà đều được làm sạch, sắp xếp gọn gàng. Điểm thêm là những cành hoa đang đâm chồi nảy lộc báo hiệu mùa xuân về trong không khí rộn ràng, háo hức.

Bày mâm ngũ quả

Ngoài bánh chưng thì mâm ngũ quả được đặt trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt. Mỗi nơi sẽ có một cách bày mâm ngũ quả khác nhau. Tuy nhiên, theo quy ước phải có ít nhất 5 loại trái cây với các màu sắc khác nhau được bày trên bàn thờ tổ tiên và bàn tiếp khách. Mâm ngũ quả tượng trưng cho nguyện ước của gia chủ về một năm mới tươi vui, may mắn, phát tài, phát lộc.

Tất niên

Tất niên được hiểu là ngày tổng kết lại năm cũ, gia đình quây quần sum họp, cùng ăn cơm. Tất niên có thể làm vào ngày 30 hoặc 29, tức là ngày cuối cùng của năm. Giữa ngày 29 hoặc 30 tháng 12 và mùng 1 tháng 1, vào giờ Tý chính là thời điểm quan trọng nhất của sự kiện này. Đây chính là dấu mốc cho sự chuyển giao năm cũ, năm mới.

Để ghi nhận khoảnh khắc quan trọng, các gia đình sẽ làm 2 mâm cơm. Một mâm cúng gia tiên, một mâm cúng Thiên Địa ngoài trời, ngay trước nhà. Việc chuẩn bị mâm cúng Tất niên ra sao còn phụ thuộc vào từng vùng miền cũng như điều kiện của mỗi gia đình. Tuy nhiên, dù khác biệt nhưng vẫn phải có những lễ vật đúng theo phong tục người Việt.

Giao thừa

Đây chính là khoảnh khắc mà tất cả mọi người đều háo hức chờ đợi. Vào đúng 0h ngày mùng 1 – tháng 1 âm lịch, thời khắc chuyển giao đã tới. Đây là thời điểm chính thức bước sang một năm mới.

Tết Nguyên Đán: Nguồn gốc, ý nghĩa và những phong tục của người Việt

Mọi người trong nhà dành cho nhau những lời chúc may mắn, tốt đẹp. Vào đêm Giao thừa, các gia đình cũng sắp lễ cúng để bỏ đi những điều xấu, đón điều tốt đẹp vào năm mới.

Cả gia đình cùng nhau quây quần bên tách trà bắc thơm mùi hương cốm, dĩa bánh mứt, đòn bánh tét kể nhau nghe câu chuyện vui trong một năm qua, và những công việc, dự tính kế hoạch cho năm tới.

Phong tục cúng ngày Tết

Vào ngày mùng 1 đầu năm, con cái sẽ chúc Tết ông bà, cha mẹ. Gia đình sẽ bày cỗ cúng Tân niên, cùng ăn uống và chúc nhau năm mới. Mùng 2 sẽ có các hoạt động cúng lễ, chúc họ hàng, người thân. Mùng 3 cúng cơm tại gia. Có một số gia đình sẽ làm lễ Hóa vàng sau 3 ngày. Tuy nhiên, cũng có nhà để tới mùng 5, 6 Tết. Ngoài ra, mùng 3 cũng là ngày Tết thầy cô nên các trò cũ sẽ đi chúc Tết thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp.

Đi chùa, hái lộc cầu may

Đi chùa, hái lộc cầu may là một trong những hoạt động gần như không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên Đán. Theo quan niệm của người Việt, việc đi lễ chùa đầu năm là để cầu xin cho năm mới gặp nhiều may mắn, phúc lộc đầy nhà.

Đồng thời xin cầu cho những hoạn nạn, rủi ro của năm cũ sớm qua, không đeo bám sang năm mới để gia chủ được làm ăn thuận lợi. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để mọi người tỏ lòng thành kính với Đức Phật, những vị thần. Với nhiều người, việc đi chùa đầu năm còn là lúc để tận hưởng khí trời sang xuân trong niềm hạnh phúc, hân hoan.

Xông đất

Vào ngày đầu năm mới, người đặt chân tới gia đình đầu tiên chính là người xông đất. Theo quan niệm, nếu người xông đất vía tốt, hợp tuổi gia chủ cũng như con giáp của năm sẽ mang tới những điều tốt lành, may may mắn cho gia chủ trong năm mới. Vì vậy, vào mùng 1 của Tết Nguyên Đán, nhiều gia đình thường chọn người xông đất hợp với tuổi của mình để mọi việc được suôn sẻ.

Lì xì

Ngoài những điều trên thì lì xì cũng là một phong tục ý nghĩa của dịp Tết cổ truyền. Đầu năm mới, người lớn sẽ mừng tuổi trẻ nhỏ thông qua một phong bao lì xì sắc đỏ. Đi kèm với đó là lời chúc ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn, học giỏi.

Tết Nguyên Đán: Nguồn gốc, ý nghĩa và những phong tục của người Việt

Bên cạnh đó, con cái cũng sẽ mừng tuổi cha mẹ cùng lời chúc sức khỏe, may mắn. Các cháu đã trưởng thành mừng tuổi ông bà, chúc ông bà sức khỏe, trường thọ.

Xuất hành

Xuất hành cũng là một việc quan trọng được người Việt thực hiện vào dịp tết cổ truyền. Thông thường vào ngày mồng một, người ta sẽ chọn giờ đẹp, hướng đẹp, hợp tuổi để xuất hành. Với mong muốn hướng đi mới của năm sẽ mang lại khởi sắc, vận may và tài lộc cho gia chủ. Người đi xuất hành thường sẽ là người trụ cột của gia đình, người có trách nhiệm mang may mắn về để có thể gánh vác mọi việc to nhỏ trong nhà.

Thông tin Hayhomes
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0