Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho biết các bộ, cơ quan ngang bộ: Ngoại giao, Nội vụ, TN-MT, KH-CN, Công an, Thanh tra Chính phủ, sau khi được bố trí trụ sở làm việc mới nhưng không bàn giao cơ sở cũ cho địa phương.
“Vốn chờ dự án đủ thủ tục”
Liên quan tới xây dựng, đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được hoàn chỉnh nâng cao hiệu lực công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, ông Phớc thừa nhận, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao, đặc biệt là nguồn vốn Quốc hội bổ sung cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng nhấn mạnh, việc lập dự toán ngân sách nhà nước chưa sát thực tế; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn một số hạn chế; số chi chuyển nguồn lớn làm lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Ông Mạnh chỉ rõ nhiều lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư như việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”; việc phân bổ, giao vốn đầu tư công trung hạn chưa đảm bảo tiến độ; chất lượng chuẩn bị dự án thấp…
Đặc biệt, ông Mạnh nêu rõ, Nghị quyết số 43 năm 2022 của Quốc hội ban hành nhiều chính sách, giải pháp với thời gian thực hiện chủ yếu trong năm 2022 và 2023 nhằm mục tiêu nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đánh giá, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết; dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ trong quá trình xây dựng một số chính sách chưa sát thực tế; công tác tổ chức thực hiện một số chính sách chậm, kết quả không đạt như dự kiến.
Báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách dẫn chứng, gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng nguồn lực 40.000 tỉ đồng có kết quả triển khai rất thấp. Đến cuối tháng 3.2023, số tiền hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ đạt 327 tỉ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực.
Cùng với đó, theo ông Mạnh, việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, nhiều tồn tại, làm lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Còn lãng phí tài sản, nhà đất công
Liên quan quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, đến ngày 31.12.2022, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan T.Ư, doanh nghiệp nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng nhấn mạnh, việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của một số cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước chưa đúng quy định; còn lãng phí trong quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất, tài sản công.
Ông Mạnh cho biết, một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư sau khi được bố trí trụ sở làm việc mới nhưng không bàn giao cơ sở cũ về cho địa phương quản lý như: Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ TN-MT, Bộ KH-CN, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ.
“Đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá việc bố trí, sử dụng tài sản công là đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc bàn giao trụ sở cũ của các cơ quan T.Ư được bố trí địa điểm, hoàn thành việc xây dựng và đã chuyển đến làm việc tại trụ sở mới”, ông Mạnh nêu.
Nguồn: thanhnien.vn