Ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp hàng năm người Việt Nam ta luôn làm mâm cỗ cúng ông Công ông Táo. Ông Công ông Táo là thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà và ngày này là ngày ông lên chầu Trời. Vì vậy, cần phải có lễ vật đặc biệt và chu đáo để “tiễn” ông về trời. Mời các bạn cùng xem cách sắp mâm cỗ cúng Táo quân để tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời được trọng thể hơn.
Tục cúng ông Táo mang ý nghĩa thờ “thần Bếp” chuyên cai quản bếp núc, giữ lửa ấm cho gia đình, cầu mong 1 năm tiếp theo ấm no, đủ đầy.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo
1. “Phục trang” của ông Công ông Táo
Trước khi sắp mâm cỗ cúng ông Táo, gia chủ cần chuẩn bị đầy đủ các lễ vật cúng Táo quân gồm có: Ba chiếc mũ Táo quân, hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Cả ba mũ đều được trang trí lóng lánh và sặc sỡ.
Ở nhiều nơi người ta chỉ sử dụng một chiếc mũ có cánh chuồn để tượng trưng kèm theo áo và đôi hia giấy. Màu sắc áo mũ của ông Công ông Táo thay đổi theo ngũ hành.
Cụ thể, các năm hành kim, mộc, thủy, hỏa thổ dùng các màu lần lượt là vàng, trắng, xanh, đỏ, đen. Những đồ mũ, áo, hia… bằng giấy này sẽ được đốt đi sau lễ cúng Táo quân cùng với bài vị cũ, sau đó, bài vị mới được lập.
2. Đồ cúng ông Công ông Táo khác
Việc chuẩn bị lễ vật cúng Táo quân ở mỗi vùng miền đất nước cũng có sự khác nhau.
- Ở miền bắc, ngày 23 tháng chạp sẽ không thể thiếu những con cá chép sống thả trong chậu nước xuất phát từ tích “cá chép hóa rồng” để đưa ông Táo về chầu trời.
- Miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ.
- Ở miền Nam thì đơn giản hơn, người ta chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy mà thôi.
Sắp mâm cỗ cúng ông Táo Để Táo quân về Trời báo cáo với Ngọc Hoàng chuyện hạ giới được đủ đầy, mỗi gia đình cần chuẩn bị mâm cỗ cúng thật chu đáo và đẹp mắt. Khi làm lễ cúng Táo quân thì bạn nhớ đọc cả văn khấn Táo quân để tiễn các ngài.
Hướng dẫn chuẩn bị lễ cúng Táo quân
Theo truyền thống, mâm lễ cỗ mặn cúng ông Công ông Táo thường bao gồm:
- 1 đĩa gạo
- 1 đĩa muối
- 1 đĩa hoa quả
- 1 quả bưởi
- 1 lọ hoa cúc
- 1 lọ hoa đào nhỏ
- 1 quả cau, lá trầu
- 1 ấm trà sen
- 1 bát canh mọc
- 1 bát canh măng
- 3 chén rượu
- 1 đĩa chè kho
- 1 đĩa giò
- 1 đĩa xào thập cẩm
- 1 đĩa xôi gấc
- 5 lạng thịt vai luộc
Món canh
Canh là món không thể thiếu trong mâm cúng ông Công ông Táo. Món canh thường được các gia đình nấu để dâng cúng là canh măng, canh khoai hoặc canh mọc.
Món xào có rau
Một món rau xào cúng giúp mâm cỗ cúng ông Táo thêm đủ đầy. Bạn có thể nấu những món xào quen thuộc như su su hay xu hào… Tuy nhiên vì dùng để cúng nên không được cho tỏi khi xào nấu.
Thịt lợn (thịt heo) luộc
Đây là món quan trọng nhất dùng để dâng cúng Táo quân. Thịt lợn (thịt heo) luộc dùng để sắp mâm cỗ cúng ông Táo nên là thịt vai hoặc gáy. Khi thắp hương miếng thịt cần để nguyên, tuyệt đối không được thái miếng.
Một đĩa muối
Muối là thứ tượng trưng cho sự may mắn và trong mâm cơm để cúng ông Táo cũng không thể thiếu một đĩa muối. Hãy chuẩn bị một đĩa muối tinh đặt lên mâm để cúng.
Hoa quả vàng mã
Hoa quả và vàng mã là những thứ không thể thiếu để cúng ông Công ông Táo. Ngoài bộ áo mũ dành cho Táo quân kể trên, bạn cần mua thêm tiền vàng hoặc loại vàng nén để hóa cho ông Công ông Táo làm lệ phí đi đường.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, các gia đình chú ý cúng ông Táo phải đặt trong bếp, khi cúng bếp phải cho cháy rực, mâm cỗ đề huề thể hiện sự ấm no quanh năm đủ đầy. Có người thì vừa đặt một mâm cúng trong bếp và thêm một mâm khác cúng trên bàn thờ.
Vị trí đặt đồ lễ
Thường làm lễ ngay ở ban thờ thần linh gia tiên, chứ không nên đặt đồ lễ ở ban thờ Phật hoặc lập riêng ban thờ Táo quân. Một số nơi, nhất là miền Nam có xu hướng lập ban thờ Táo quân riêng ở bếp. Đây là điều không cần thiết và không nên vì trong một nhà thờ nhiều thần linh sẽ hay xảy ra tranh cãi, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình, con cái khó bảo hoặc gây ra những trục trặc khác về tình cảm, tình duyên. Khi hương cháy đến 2/3 là có thể mang vàng mã ra hóa và mang cá đi phóng sinh.
Thời gian
Dân gian cho rằng bắt buộc phải làm lễ cúng trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp để ông Táo kịp báo cáo. Điều này là không phải vì thực tế theo truyền thuyết đến tối ông Táo mới lên trời. Chúng ta có thể cúng trong ngày 23 hoặc nếu vì lý do thời gian có thể làm từ 21 đến 23 tháng Chạp.
Những lưu ý khi cúng ông Táo bạn nên biết
Mặc dù cúng ông Táo không còn xa lạ, tuy nhiên phần lễ cũng cần phải cử hành trang nghiêm và tuân thủ đầy đủ các bước. Dưới đây là một vài lưu ý khi cúng ông Táo nhất định bạn nên biết.
- Nghi lễ phải được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp (ngày 23/12 Âm lịch)
- Lau dọn ban thờ sạch sẽ, đồ thờ cần được rửa sạch, bày biện ngay ngắn, thay nước trong cốc cẩn thận
- Mâm cúng và các lễ vật cúng phải được đặt ở ban thờ trong bếp (cũng có gia đình đặt mâm cúng trên bàn thờ gia tiên và mâm cúng lễ ở dưới bếp đều được)
- Khi cúng phải để lửa trong bếp cháy rực, mâm cỗ đề huề, có như vậy gia chủ mới ấm no, sung túc
- Bên cạnh bếp đặt 1 cốc gạo và cắm 3 nén hương
- Sau khi nửa tuần hương đã cháy hết, gia chủ mang lễ vật cúng (tiền vàng, áo mũ, hài) đi hóa và mang cá chép đi thả
- Khi cúng, gia chủ không nên cầu xin sung túc hay phú quý cho gia đình mà chủ xin Táo bẩm báo điều tốt, giảm bớt nói điều không hay.
Những điều cần tránh khi cúng ông Công ông Táo
Về thời điểm làm lễ cúng ông Công ông Táo, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho rằng, các gia đìnhkhông nên cúng ông Công ông Táo quá sớm, nên cúng sớm nhất là từ ngày 20 tháng Chạp (tức 20 tháng 12 dương lịch) đến 23 tháng Chạp.
Đồng thời không bao sái, rút chân nhang, dọn dẹp không gian thờ cúng và bàn thờ trước khi cúng ông Công ông Táo. Các gia đình phải cúng ông Công ông Táo xong mới được thực hiện việc bao sái và rút tỉa chân nhang.
Ngoài ra cần lưu ý người thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân thanh sạch. Khi hành lễ ăn mặc chỉn chu, gọn gàng kín đáo không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn… Trong lúc khấn cúng phải giữ tâm thái hoan hỉ vui vẻ để tạo ra năng lượng tích cực trong thờ cúng và tâm linh.
Những năm gần đây, nhiều gia đình thường mua cá chép trong ngày lễ ông Công ông Táo rồi phóng sinh ra ao, hồ. Một lưu ý làkhông nên mua cá chép về rồi thả cá bừa bãi ra những nguồn nước ô nhiễm làm cá bị chết. Nếu phóng sinh cá chép phải chọn môi trường sạch để cá dễ dàng sống được
Văn khấn ông Công ông Táo 23 Tết
Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Xin giới thiệu bài cúng ông Công ông Táo phổ biến:
Kính lạy Thượng Đế,
Kính lạy Ngũ Đế, Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế.
Kính lạy thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng
Trung đàm thần tướng thiên thiên binh
Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã
Kính lạy sơn thần, long thần, thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám
Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm…. Là ngày thần Táo Quân về trời tấu sớ
Tín chủ con tên là… sinh ngày… tháng… năm… nguyên quán… địa chỉ thường trú…
Với tấm lòng thành kính con xin có chút lễ vật, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Thần Tướng, Thiên Tướng, Thiên Binh, Thiên Mã, cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ Công Táo Quân về trời.
Kính lạy Thổ thần thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám. Trong năm qua nhờ ân phúc của các ngài chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, mọi điều may mắn.
Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính tiễn ngài về trời tấu xin Thượng Đế, Ngũ Đế, cùng chư vị thần tiên phù hộ độ trì cho đất nước con, quê hương con, gia tộc và gia đình con được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng.
Con cầu xin Thượng Đế, Ngũ Đế các vị thần tiên cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của con.
Kính chúc Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị thần tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế!
(Con xin đa tạ, Con xin đa tạ, con xin đa tạ)
* Sau khi cúng xong thì lại kính lễ 9 lần
* Lễ xong đi lùi ba bước mới được quay lưng đi
*Chờ nhang cháy 1/3 ta đã có thể mang vàng mã đi hoá cho các vị thần. Hoá xong thì gói tro vào một tờ giấy màu đỏ sạch sẽ, rồi mang cá và tro đi thả ở sông, suối, hay hồ nước có dòng chảy lưu thông. Không nên thả ở những hồ nước bẩn, ao tù.
Nguyễn Mạnh Linh
Trưởng Phòng Phong thủy Kiến trúc
Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị – ĐHXD
>>> https://info.hayhomes.com/blog/tai-sao-nguoi-viet-cung-ong-cong-ong-tao/ <<<