Giá bán cao, giá thuê thấp tác động tới nhiều nhà đầu tư
Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, shophouse đã là sự “vỡ mộng” của nhiều nhà đầu tư khi không hề mang đến mức lợi nhuận như kì vọng. Đại dịch Covid-19 bùng phát nhiều lần từ 2020 đến nay khiến phân khúc này càng ảm đạm. Đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư muốn tháo chạy nhưng “chạy không thoát” với shophouse bởi dù bán cắt lỗ nhưng cũng rất khó khăn để tìm được người mua.
Dọc tuyến đường Tố Hữu (Hà Đông), rất nhiều shophouse đang trong tình trạng cửa đóng then cài hơn năm nay. Đáng nói, giá bán các shophouse mặt tiền đường Tố Hữu đều có giá trên 200 triệu đồng/m2. Ở những vị trí đắc địa, giá bán còn lên tới 300 triệu đồng/m2. Như vậy, tổng giá trị 1 căn shophouse ở những vị trí đắc địa này không dưới 10 tỷ/căn, những căn đẹp giá bán lên tới 20-39 tỷ/căn. Thế nhưng, chỉ có số ít shophouse có người thuê và giá thuê vô cùng rẻ mạt khi chỉ đạt tầm 25-35 triệu đồng/ tháng. Một số căn may mắn cho thuê được giá cao hơn là 40 triệu đồng/tháng.
Tại quận Tây Hồ, shophouse một số dự án cũng có giá bán lên tới 250-300 triệu đồng/m2, tổng giá trị một căn shophouse lên tới 16-20 tỷ đồng/căn nhưng giá thuê chỉ phổ biến ở mức 40-50 triệu đồng/tháng. Nhiều shophouse chân đế (ki ốt) các tòa chung cư ở Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy… cũng trong tình trạng bỏ không nhiều tháng liền nhưng chưa có khách thuê. Và nếu có khách thuê thì giá thuê cũng vô cùng thấp, tính toán tỷ suất lợi nhuận chỉ tương đương 2-3%/năm.
Nhà đầu tư muốn thoát nhưng “thoát không nổi”
Nhiều môi giới cho biết rất nhiều nhà đầu tư đang nhờ họ bán lại các shophouse. Việc gửi bán đã diễn ra hơn một năm nay nhưng giao dịch thành công rất ít. Môi giới Nguyễn Văn Hưng cho biết: “Người bán nhiều hơn người mua. Nhiều nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ nhưng vẫn chưa bán được”. Anh Hưng cũng cho biết thêm, chưa cần sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 thì shophouse tại nhiều dự án cũng đã khó cho thuê. Nguyên nhân là bởi tại nhiều dự án, cư dân về quá ít khiến việc kinh doanh buôn bán ở các shophouse khó khăn. Và trước đó, những người thuê kinh doanh không thuận lợi trả mặt bằng tạo nên hiệu ứng tâm lý với người thuê sau. Do đó, giá thuê giảm mạnh”.
Như vậy, chưa cần đến Covid-19 thì nhiều shophouse đã không “đẻ trứng vàng” cho nhà đầu tư. Chính bởi việc cho thuê để kinh doanh không hiệu quả mà việc nhà đầu tư muốn “bán đứt” shophouse càng khó khăn. Kế đó, dịch bệnh xuất hiện khiến việc kinh doanh càng khó khăn hơn, lượng shophouse bỏ trống không ai thuê và không ai mua tăng mạnh.
Đây là thực tế “tiến thoái lưỡng nan” nhiều nhà đầu tư đang vấp phải. Anh Minh Tuấn, môi giới shophouse tại quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: “Mỗi shophouse giá hàng chục tỷ đồng nên rất kén khách. Nhiều nhà đầu tư cho thuê không được mà bán cũng không xong đã quay ra trách mắng, chửi bới sale vì những tư vấn có cánh, vẽ ra các viễn cảnh xán lạn của dòng sản phẩm này”.
Nhìn nhận về thực trạng trên, nhà đầu tư Nguyễn Tuyết Mai cho rằng shophouse là dòng sản phẩm đầu tư lâu dài và sẽ đem lại lợi nhuận với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn từ 5 năm trở lên. Những người có nguồn tiền nhàn rỗi dồi dào hoặc không phải vay ngân hàng tỉ lệ lớn mới nên đầu tư shophouse. Việc mua hoặc thuê shophouse để kinh doanh phải căn cứ vào nhiều yếu tố: mức độ triển khai tiện ích hạ tầng dự án, tiềm năng phát triển của dự án trong tương lai gần và dự án đó có thu hút được khách khu vực lân cận để phát triển thương mại hay không.
Theo ThannienViet