Đại gia BĐS bí ẩn xuất thân từ giáo viên trường Sĩ quan Pháo phòng không
Mỗi khi dừng đèn đỏ tại ngã tư sầm uất Lê Trọng Tấn – Trường Chinh (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội), bao tài xế và người đi đường lại ngước trông về Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis, nằm đối diện với Bảo tàng Phòng Không không quân. Dự án tọa lạc tại số 3 Lê Trọng Tấn này còn có tên gọi khác là “Tổ hợp công trình hỗn hợp, công cộng: Dịch vụ thương mại, văn phòng, căn hộ cho thuê, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, nhà trẻ, cây xanh” do Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp dự án này được thành lập từ tháng 1/2008, với tên gọi CTCP ACC – Thăng Long (ACC Thăng Long). Được biết đến là chủ đầu tư tổ hợp số 3 Lê Trọng Tấn, Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC (ACC) cũng tham gia góp vốn, là cổ đông sáng lập.
Tuy nhiên, tới đầu năm 2018, cổ đông Nhà nước chỉ nắm giữ 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án. Trong khi đó, CTCP Đầu tư IMG (IMG) và một pháp nhân khác có liên quan là CTCP MT Gas (MT Gas) sở hữu lần lượt 50% và 9,44% vốn điều lệ ACC Thăng Long. Đến năm 2018, các cổ đông lần lượt thoái vốn, IMG trở thành cổ đông chi phối khi nâng tỉ lệ sở hữu lên 60,044%.
Nắm cổ phần chi phối, nhóm IMG cũng thể hiện vai trò cầm cương tại tổ hợp Artemis. Ông Lê Tự Minh – Chủ tịch HĐQT IMG – có nhiều năm làm người đại diện pháp luật của ACC Thăng Long, đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc tại doanh nghiệp này.
Người sĩ quan Pháo phòng không đi buôn thiết bị dầu khí ở Nga
CHỦ TỊCH LÊ TỰ MINH:
Ông Lê Tự Minh từng là học viên của Học viện Quân chính Lê-nin, sau đó khởi nghiệp bằng việc buôn bán thiết bị dầu khí, phá vỡ thế độc quyền của các công ty Nga trong việc cung cấp trang thiết bị cho ngành dầu khí Việt Nam.
Ông Lê Tự Minh sinh ngày 15 tháng 12 năm 1959 tại Nghệ An. Quê quán Thừa Thiên – Huế
.
Năm 1983, tốt nghiệp cử nhân khoa Kinh tế chính trị Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học kinh tế Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Từ 1983-1987 là giáo viên của Trường sỹ quan Pháo Phòng không, nay là Học viện Phòng không – Không quân.
Từ 1987-1991 là học viên của Học viện Quân chính Lê-nin ( nay là Đại học quân sự Moscow)
.
Từ 1992-1995 là nghiên cứu sinh tại Viên hàn lâm Liên bang Nga. Bảo vệ luận án Tiến sỹ năm 1995.
Năm 1993, trong một lần tâm sự với đoàn cán bộ của Vietsopetro sang Nga công tác, Lê Tự Minh nắm bắt được tình hình phát triển của ngành dầu khí Việt Nam và tình trạng độc quyền của các công ty Nga trong việc cung cấp trang thiết bị cho ngành dầu khí non trẻ của nước nhà. Ông tìm gặp và tập hợp một số cán bộ kỹ thuật, khoa học người Liên Xô cũ đã từng làm việc trong ngành dầu khí Việt Nam, để cùng họ tìm hướng mua các thiết bị từ Nga về đấu thầu cho Vietsopetro.
Vốn ít, thanh toán phải 100% tiền mặt, sự hiểu biết kỹ thuật hạn chế và vận tải của nước Nga thời đó rất khó khăn… May thay, những cuộc đấu thầu đầu tiên đã thành công, những lô hàng đã về tới Việt Nam trọn vẹn.
Thời đó, nhu cầu đơn hàng rất nhiều, chỉ tiếc là không có đủ tiền. Ông Minh đã phải vay lãi bên ngoài rất cao để đảm bảo thực hiện đơn hàng. Sau gần 1 năm, công việc không chỉ mang lại lợi nhuận tốt mà còn phá được thế độc quyền của các công ty Nga. Nhiều hạng mục giá đã giảm hơn 60% so với những năm trước.
Một lần, lãnh đạo Vietsopetro yêu cầu ông giúp xí nghiệp mua lô hàng đặc chủng của một nhà máy ở Ukraina. Đây là loại hàng độc quyền, phía Việt Nam biết rất rõ nhà máy bán với giá rất cao, nhưng điều quan trọng là việc cấp hàng của họ rất chậm, không kịp xử lý cho sự cố ngoài giàn khoan. Lê Tự Minh đã phải nhờ một đơn vị dầu khí Nga khác mua trong nước rồi chung chuyển về Việt Nam. Kết quả là kịp cho tiến độ và giá của lô hàng chỉ bằng 30% giá mà nhà máy bán cho Vietsopetro. Từ đó Vietsopetro đã có những giải pháp đưa các hợp đồng mua bán về giá trị thật của hàng hoá, phá được thế độc quyền với giá cả độc quyền cao trong nhiều năm của các công ty Nga và Liên Xô cũ.
Hoàn thành luận án Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế chính trị trong thời Liên Xô tan vỡ, Lê Tự Minh bắt đầu kinh doanh và thành lập công ty đầu tiên ở Moscow tại nước Nga.
Năm 1996 về Việt Nam kinh doanh. Các lĩnh vực kinh doanh bao gồm: Thiết bị dầu khí, khí hoá lỏng, Dịch vụ, Tài chính, Bất động sản…
Đam mê công việc, đam mê kiến trúc, tài chính, thơ ca, dịch nhạc nước ngoài.
Tham gia các công trình khoa học, các công trình hướng nghiệp cho sinh viên.
Tham gia các công tác đền ơn đáp nghĩa với các trường nơi ông đã học và đã dạy như: Trường cấp 3 Bến Tre, Trường Đại học Kinh tế thuộc đại học Quốc gia, Học viện phòng không-Không quân, các công tác xã hội, từ thiện, xây dựng trung tâm trẻ mồ côi tài năng,
Tham gia các công tác hữu nghị của Hôi hữu nghị Việt-Nga, Việt Nam – Campuchia.
Về Việt Nam trở thành đại gia kín tiếng ngành bất động sản
Năm 1996, ông Lê Tự Minh trở về Việt Nam. Ban đầu, doanh nhân này kinh doanh Taxi, khí hoá lỏng, những thị trường mới mở vào những năm 1996-2000 ở trong nước rất tốt. Mặc dù công việc kinh doanh thuận lợi và hiệu quả, nhưng ông nhận thấy những thị trường đó đều nhỏ hẹp, phức tạp và khó quản lý.
Năm 2000, lần đầu tiên được đến Singapore, ông Minh bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của những ngôi nhà, công trình và tính quy hoạch ở đây. Bao giờ quê hương mình có những đô thị đẹp như thế này? Ông bắt tay vào nghiên cứu, chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản . Sau đó, vị doanh nhân sinh năm 1959 đầu tư một loạt dự án như: Khu đô thị Petro Quảng Ngãi, Khu đô thị Trường Xuân (Quảng Ngãi), đầu tư khách sạn Gerbera Huế (đã chuyển nhượng).
Vào thời đó, Phú Mỹ Hưng đang được đánh giá là mô hình đẹp nhất của Việt Nam. Ông nghĩ: Phải tạo ra các Phú Mỹ Hưng ở các thành phố khác nhau.
Theo lời kể, ông Minh làm việc tới 10-12 tiêng mỗi ngày. Sáng bắt đầu công việc từ 9h và tạm dừng lúc 18h. Tối ăn cơm xong lại làm việc trực tuyến với kiến trúc sư từ 9h tối tới 12h-1h sáng. Thứ 7, Chủ nhật là dành cho golf và bạn bè. Đối tác của ông nhận xét, Lê Tự Minh là người rất cứng rắn và cứng rắn một cách lạnh lùng trước việc chậm tiến độ.
Tới tháng 12/2007, công ty IMG được thành lập, là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái của doanh nhân Lê Tự Minh. Cập nhật tới tháng 6/2018, IMG có quy mô vốn 520 tỷ đồng. Trong đó, ông Lê Tự Minh góp 519,5 tỷ đồng, nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu 99,9% vốn điều lệ.
Hiện tại, IMG là công ty mẹ của CTCP Đầu tư IMG Huế (IMG Huế) – chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới An Cựu (An Cựu City), có quy mô 33ha, toạ lạc tại phường An Đông, thành phố Huế.
Bên cạnh đó, IMG cũng là cổ đông sáng lập, từng nắm giữ tới 80,23% vốn của CTCP IMG Phước Đông (IMG Phước Đông) – chủ đầu tư Khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông quy mô 129ha tại tỉnh Long An. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của IMG đạt 1.529,9 tỷ đồng..
Những phát ngôn, thông điệp của Chủ tịch HĐQT IMG-Lê Tư Minh trong kinh doanh và cuộc sống:
1. Giá trị của cuộc sống là lao động và đóng góp cho xã hội.
2. Cuộc sống phải có mục đích, có đam mê, dám nghĩ dám làm và phải đến đích.
3. Kinh doanh là quá trình lao động tạo ra của cải vật chất, kinh doanh Bất động sản là tạo ra cái đẹp cho xã hội.
4. Con đường mà nhiều người lựa chọn là lo cho con cái chu toàn và giao cho người có tài, có lòng nhân hậu quản lý và phát triển khối tài sản của mình sao cho con cái hạnh phúc và đóng góp nhiều nhất cho xã hội.
5. Chuyển giao tài sản cho đúng người cũng là trách nhiệm với xã hội.
6. Với mục đích này, Tôi mong muốn sẽ dành 50% khối tài sản cho gia đình và 50% còn lại sẽ dành cho xã hội, nhân viên và những người có đóng góp lớn cho công ty.