Công trình giao thông mới hoàn thành bao gồm tuyến đường và cầu vượt kết nối huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) với huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng như hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ.
Cầu vượt sông Sài Gòn nối Tây Ninh – Bình Dương có quy mô 6 làn xe, dài hơn 330m, có đường dẫn phía Bình Dương dài hơn 377m và đường dẫn phía Tây Ninh dài hơn 92m. Vị trí xây cầu vượt là tại đoạn giáp ranh huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương và huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Tuyến đường khi đi vào hoạt động sẽ thay thế lộ trình đường vòng qua thị trấn Dầu Tiếng để đến Dương Minh Châu nếu các phương tiện lưu thông trên đường ĐT744. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa từ Tây Ninh đi sân bay Long Thành (Đồng Nai) và các cảng nước sâu tại Bà Rịa – Vũng Tàu có thể tận dụng tuyến đường mới qua Bình Dương thay vì phương án đi qua quốc lộ 22, 22B. Phương án này giúp rút ngắn quãng đường di chuyển khoảng 20 – 30km, tiết kiệm thời gian lưu thông khi không phải đi qua các tuyến đường thường xuyên kẹt xe.
Dự án được phối hơp triển khai bởi 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh với mức kinh phí gần 1.000 tỉ đồng.
Cụ thể, Bình Dương đầu tư 411 tỉ đồng để xây dựng cầu và phần đường kết nối từ cầu tới đường ĐT744, Đường kết nối với cầu phía Bình Dương có vận tốc thiết kế 80km/h, ngoài ra còn có đường dân sinh dưới dạ cầu được thiết kế với vận tốc 20km/h. Dự án khởi công từ tháng 10/2020 đến nay đã hoàn thành.
Phía Tây Ninh đầu tư hơn 517 tỉ đồng cho dự án mở rộng đường Đất Sét – Bến Củi dài 16,9km kết nối đồng bộ với cầu vượt. Dự án khởi công từ tháng 8/2014, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 4 làn xe và giải phóng sẵn mặt bằng để sau này mở rộng lên 6 làn xe theo quy hoạch.
Tuyến đường và cầu kết nối giữa tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển kinh tế – xã hội của huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương và huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng và huyện Dương Minh Châu. Đồng thời, công trình góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân 2 tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện phát triển du lịch tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh.
Nguồn : cafeland.vn