“Các Shark, hôm nay tôi muốn lấy quyển này. Tôi rất cảm động khi các bạn cầm trên tay sách của tôi!” – startup VMeta của hai chàng trai xuất hiện cùng cuốn sách in hình Shark Liên được nữ doanh nhân tuyên bố “chốt” với tấm vé vàng ngay khi vừa trình bày xong ý tưởng.
Xuất hiện tại tập 2 Shark Tank mùa 5 để kêu gọi 50.000 USD cho 5% giá trị công ty, startup VMeta của hai chàng trai Nguyễn Lê Vương và Trương Thành Đạt trở về từ Đức để khởi nghiệp tại Việt Nam gây chú ý với màn xuất hiện ấn tượng cùng cuốn sách in hình Shark Liên trên tay:
“Giả sử như Shark Liên phát hành 500 cuốn sách giới hạn với chữ ký độc quyền, thì điều gì đảm bảo ngoài thị trường kia sẽ không có những cuốn sách giả? Rất khó để biết đâu là sách thật. Và vấn đề bản quyền đang làm cho những cuốn sách như thế này bị giảm đi giá trị“.
Hai co-founders của VMETA cho rằng công nghệ NFT đang trở thành xu hướng thế giới sẽ giúp tạo ra những đoạn mã thông báo không thể thay thế và duy nhất. Để giải quyết vấn đề trên, Vương và Đạt khẳng định nếu tạo ra 500 NFT định danh cho 500 cuốn sách của Shark Liên, những người sở hữu sách sẽ hoàn toàn chứng minh được họ đang nắm trong tay sách thật.
Theo đó VMETA là sàn NFT giúp cho những nhà sáng tạo nghệ thuật, những nghệ sĩ, người nổi tiếng tại Việt Nam phát hành sản phẩm dưới dạng NFT. VMETA sẽ kết hợp sản phẩm vào các bộ sưu tập về văn hóa Việt Nam như áo dài, áo bà ba, đồ thủ công mỹ nghệ, Trống đồng Đông Sơn, gốm sứ Bát Tràng… Thông qua đó, hai chàng trai muốn mang văn hóa và nghệ thuật Việt Nam lan tỏa ra thế giới.
Không chỉ mong muốn mang đến những NFT tĩnh, hai nhà đồng sáng lập của VMeta còn muốn mang đến những NFT động mang giá trị thực cho cuộc sống như đầu bếp, bác sĩ, nghệ sĩ. Lê Vương lấy ví dụ rằng người dùng có thể mua NFT vật lý trị liệu và tự tập tại nhà, tiết kiệm được thời gian đến bệnh viện và đợi đăng ký.
Nói về tiềm năng phát triển của công nghệ NFT, Thành Đạt cho biết theo thống kê, có 17% người sử dụng internet tại Việt Nam sở hữu NFT, tương ứng cứ 6 người Việt Nam sẽ có 1 người sở hữu NFT. Công nghệ NFT phát triển từ năm 2017, đến năm 2020 doanh số ở lĩnh vực này là 80 triệu USD và đến năm 2021 là 25 tỷ USD. Những công ty đang phát hành NFT trên toàn cầu được định giá từ 100 triệu USD cho đến 12 tỷ USD.
“Tại sao với sức sáng tạo của người Việt Nam chúng ta không làm một sàn đứng ngang với họ?” – Thành Đạt nêu quan điểm.
Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về cách thức kiếm tiền của sàn NFT, Thành Đạt cho biết mô hình của mình giống với OpenSea, Rarible, SuperRare. Tuy nhiên về vấn đề thanh toán, startup sẽ sử dụng những phương thức thanh toán tại Việt Nam và những phương thức thanh toán của quốc tế được các quốc gia đó chấp nhận.
Khách hàng có thể phát hàng các nội dung số NFT và đăng bán tại nền tảng của VMeta. Nếu khách hàng không hiểu về công nghệ muốn NFT hóa sản phẩm thì startup sẽ hỗ trợ làm thủ tục lên sàn và marketing (tiếp thị) cho sản phẩm.
Trước thắc mắc của Shark Hùng Anh về cách quảng bá cho sàn thương mại của mình khi Google, Facebook hạn chế quảng cáo những sản phẩm liên quan tới NFT, Thành Đạt cho biết chiến lược lõi của mình là kết hợp với những nghệ sĩ, những người nổi tiếng tại Việt Nam để phát hành ra những collection (bộ sưu tập) về NFT. Fan (người hâm mộ) của những người nổi tiếng sẽ biết đến VMeta và startup sẽ có user (người dùng) ban đầu.
Trả lời câu hỏi của Shark Hưng lý do không khởi nghiệp ở Đức khi phần lớn các nước châu Âu đã chấp nhận NFT, Lê Vương cho biết, khi đã bùng nổ, các quốc gia sẽ có NFT về văn hóa của quốc gia họ. Việt Nam cũng cần có bộ sưu tập NFT riêng.
Ngoài ra, anh cũng muốn mang đến nguồn thu nhập cho các artist (nhà mỹ thuật). “Em cảm thấy sáng tạo của người Việt Nam rất mạnh, rất lớn. Các bạn làm ra được sản phẩm của mình rất đẹp, rất hay. Nhiều khi bên nước ngoài người ta thấy hay quá, đẹp quá người ta mua xong post (đăng tải) lên sàn thế giới và người ta bán ra, có thể kiếm ra hàng trăm ngàn, hàng triệu USD từ sự sáng tạo của các bạn. Trong khi giá trị các bạn hưởng được rất nhỏ”.
Ấn tượng trước ý tưởng kinh doanh của startup, Shark Liên quyết định rút Golden Ticket (Vé Vàng) để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup. Điều đó đồng nghĩa với việc các Shark khác bị loại khỏi cuộc đàm phán với startup. Golden Ticket có giá trị khởi điểm là 100 triệu đồng. Shark có quyền tăng giá trị mỗi lần trả giá với mức tối thiểu là 10 triệu đồng và không giới hạn khoản tăng tối đa.
“Chính giới trẻ của các em đang tạo ra xu thế. Vì vậy chị đồng ý với đề xuất này. Và sau đó chúng ta sẽ có những buổi làm việc đánh giá thực tế xem các em có được cái gì. Chúng ta phải làm rất nhiều việc và phải đầu tư rất nhiều tiền để thực hiện giấc mơ mà chúng ta đang làm” – Shark Liên cho biết.
Các Shark Bình, Shark Hùng Anh tuy không còn cơ hội đầu tư nhưng vẫn ngỏ ý mời hai chàng trai hợp tác các nền tảng thanh toán, blockchain cho VMeta.
Nguồn: CafeF
Có thể bạn quan tâm:
- https://info.hayhomes.com/blog/chuyen-gia-su-ngoc-khuong-du-bao-gi-ve-thi-truong-bat-dong-san-6-thang-cuoi-nam-2022/
- https://info.hayhomes.com/blog/dong-nai-duyet-quy-hoach-phan-khu-1-716ha-tai-tp-bien-hoa/
- https://info.hayhomes.com/blog/ben-mua-bo-coc-sau-khi-ky-hop-dong-dat-coc-cong-chung-phai-lam-sao/