Chuyên gia khuyến nghị, càng lạm phát càng nên đầu tư bất động sản
Theo TS. Sử Ngọc Khương, nếu lạm phát xảy ra, càng nên đầu tư vào bất động sản. Vị chuyên gia này khuyến nghị, người mua không nên sử dụng đòn bẩy tài chính bởi rủi ro lớn.
Kinh tế Việt Nam được nhận định đang đứng trước rủi ro lạm phát khi triển khai mạnh các biện pháp phục hồi tăng trưởng bằng nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ. Trước đó, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022 sẽ chịu áp lực rất lớn, thậm chí “căng như dây đàn” do nhiều mặt hàng trong nước như giá điện, giá dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế sẽ được điều chỉnh tăng, do đã giảm hoặc không tăng trong năm nay, đồng thời giá nguyên liệu, xăng dầu thế giới tiếp tục tăng.
GSO cũng dự báo lạm phát trong năm 2021 có thể được kiểm soát trong mục tiêu dưới 4%, tuy nhiên, năm 2022 lạm phát sẽ nhích lên và áp lực kiểm soát không hề nhỏ.
Với các nhà đầu tư, sự mất giá của đồng tiền và lạm phát tại Việt Nam trở thành tín hiệu dự báo dòng tiền sẽ đổ mạnh vào thị trường bất động sản. Đó là cơ hội để các nhà đầu tư cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để mạnh tay xuống tiền, tìm kiếm khả năng sinh lời.
Ông Nguyễn Q. (Tổng giám đốc công ty bất động sản tại Hà Nội) cho biết: “Bởi dự báo đồng tiền mất giá, lạm phát tăng cao mà lượng mua bán giao dịch bất động sản đang diễn ra khá sôi động”.
Ông Q. phân tích: “Các nhà đầu tư đều chung quan điểm về con số lạm phát có thể tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh. Khi đồng tiền mất giá thì chỉ có bất động sản là kênh giữ tiền tốt nhất và an toàn nhất. Đó là lý do thay vì chọn ngân hàng gửi tiết kiệm, họ đổ tiền vào bất động sản. Mặt khác, họ chọn bất động sản vì đây còn là kênh đầu tư mua – bán dễ dàng nhất dù vốn lớn, nếu như so với chứng khoán, tiền ảo”.
Đồng quan điểm đó, ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing cũng đưa ra nhận định về dòng tiền sẽ đổ mạnh vào bất động sản trong áp lực đồng tiền mất giá và lạm phát xảy ra ở Việt Nam.
Theo ông Thắng, cơ sở của dự báo này dựa trên chương trình phục hồi nền kinh tế với quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng của Chính phủ chuẩn bị bung ra cộng hưởng giá xăng dầu, nguyên vật liệu chưa có dấu hiệu đi ngang về giá.
Trong khi đó, lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán trong 10 tháng đầu năm cán mốc 1 triệu người và giá vàng ghi nhận giai đoạn tăng phi mã. Theo ông Thắng, đó là loạt dấu hiệu dự báo lạm phát sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Và khi lạm phát xảy ra thì bất động sản là kênh đầu tư trú ẩn an toàn, tất yếu dòng tiền sẽ đổ mạnh vào nơi đây.
Các nhà đầu tư đều cho rằng, tín hiệu lạm phát tăng cao xuất hiện thì đây là cơ hội để xuống tiền. Như vậy, cách đầu tư này không chỉ giúp đảm bảo được tài sản mà còn giúp tài sản tăng giá.
Tại một tọa đàm trực tuyến mới đây, trước câu hỏi có nên xuống tiền vào bất động sản trong bối cảnh lạm phát đang chuẩn bị gia tăng, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, về kinh tế học khi lạm phát xảy ra, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ neo vào các kênh như vàng, dầu và bất động sản. Nếu mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá sẽ tăng lên 1,2-1,5 tỷ đồng.
Ông Khương khuyến nghị, lạm phát xảy ra, càng đầu tư bất động sản càng lớn, càng tốt. Nếu nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính thì việc xuống tiền ngay từ bây giờ là hợp lý. Vị chuyên gia này cho rằng, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính trong bối cảnh lạm phát xảy ra thì rủi ro rất lớn. Ví như, một căn nhà trị giá 1 tỷ, người mua chỉ bỏ ra 300 triệu đồng và đi vay 700 triệu đồng. Khi lạm phát xảy ra, lãi suất càng cao, khả năng chi trả của người mua sẽ bị hạn chế.
Ông Khương cũng cho rằng, tỷ suất sinh lời cao và nhanh ở thời điểm hiện tại sẽ khác so với những năm trước. Không phải cứ đầu tư năm nay là năm sau kiếm được 40-50%. Vị chuyên gia này còn tiết lộ thêm, hiện ông cũng đổ toàn bộ tiền vào bất động sản.