Sau việc diễn viên Ngọc Lan phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội cho rằng bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ, nhiều khách hàng giật mình đọc lại các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã tham gia 5 – 7 năm trước và hoang mang vì “không hiểu gì”.
Thực tế khi xảy ra tranh chấp, hầu hết khách hàng đều thua kiện vì “bút sa gà chết”.
Hợp đồng một đằng, phụ lục một nẻo
Hôm qua, chị Vân Nguyễn (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) hốt hoảng về xem lại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) chi tiết như thế nào. Chị Nguyễn kể, cách đây 1 năm, chị mua 1 hợp đồng BHNT với phí 25 triệu đồng/năm, thêm bảo hiểm phụ sức khỏe 15 triệu đồng/năm. Do người quen giới thiệu, nên chị hoàn toàn tin tưởng ký vào hợp đồng mà không xem thời hạn hợp đồng cũng như mức bồi thường cụ thể ra sao. Chỉ biết rằng, trong đợt điều trị răng gần nhất, bác sĩ mà chị theo lại không có tên trong danh sách phòng khám, bệnh viện mà công ty BHNT chấp nhận nên không được chi trả. Những thông tin này người tư vấn BHNT chưa bao giờ đề cập với chị trước đây.
Oái oăm hơn là trường hợp của bà V.T.L.H (ngụ Q.3, TP.HCM) phản ánh đến Báo Thanh Niên. Theo đó, tháng 11.2020 bà ra Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn (SCB) tất toán sổ tiết kiệm thì được nhân viên NH tư vấn tham gia sản phẩm “An tâm đầu tư” với thời gian 7 năm để có lãi suất cao hơn tiền gửi thông thường. Nếu mỗi năm khách hàng đóng 100 triệu đồng thì sau 7 năm tất toán cả vốn lẫn lãi sẽ có hơn 1,1 tỉ đồng. Hơn nữa, khách hàng chỉ đóng tiền năm đầu tiên và những năm sau muốn đóng bao nhiêu cũng được, đóng nhiều thì lời nhiều và được tăng thêm bảo hiểm ốm đau bệnh tật.
Khi đó, vì tin tưởng NH nên bà dồn hết tiền lãi vào gốc và đóng luôn 110 triệu đồng. Sau 1 năm, NH lại kêu bà ra tiếp tục ký hợp đồng đóng tiền năm thứ hai và bà tiếp tục đóng vô 100 triệu đồng. Lúc này bà bắt đầu nghi ngờ và tìm hiểu kỹ, đọc lại hợp đồng thì thấy phụ lục tính toán số tiền sẽ nhận lại được và lãi suất mỗi năm là 8,7%, thấp hơn mức nhân viên tư vấn trước đó là trên 10%. Qua nhiều lần tìm hiểu, bà thấy số tiền năm đầu của mình đã được bỏ hết vào bảo hiểm Manulife, năm thứ 2 thì phần lớn vẫn vào bảo hiểm và một phần nhỏ là vào quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife. Chưa kể, nếu tính đến sau 7 năm thì số tiền của bà vẫn lỗ nếu theo tỷ lệ phân bổ như vậy và có nguy cơ mất trắng. Do đó, bà đã không đóng nữa.
“Tôi tin tưởng vào nhân viên NH nên đã tham gia gói “An tâm đầu tư” nhưng ai ngờ đó là bảo hiểm và đã mất tổng cộng gần 200 triệu đồng (bà có rút ra được một phần tiền đầu tư mà sản phẩm đã phân bổ theo hợp đồng)”, bà V.T.L.H bức xúc nói.
Cũng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan là trường hợp của chị L.D (Q.7, TP.HCM). Sau khi câu chuyện về hợp đồng BHNT “rộ” lên với nhiều thông tin khác với tư vấn viên, chị L.D cũng đã lấy hợp đồng mà chồng đã mua để xem lại thì mới “tá hỏa” khi toàn bộ thông tin trong hợp đồng đều được đại lý tự khai giùm, nhất là về tình trạng tiền sử bệnh. Cụ thể như chồng chị L.D là người hút thuốc lá nhiều năm, gia đình có bố chồng cũng tiền sử bị bệnh nan y về phổi, nhưng trong hợp đồng bảo hiểm đều chọn “không” về bệnh lý.
“Tôi mới nghe người quen đã từng làm trong ngành bảo hiểm nếu như khi rủi ro xảy ra thì công ty BHNT có thể sẽ không thực hiện bồi thường nếu họ điều tra được mình đã gian dối trong việc khai báo sức khỏe. Thôi giờ lỡ rồi vì hợp đồng chỉ còn 3 năm hết hạn, mình cũng hy vọng không có rủi ro gì”, chị L.D cho hay.
Sập bẫy vì đại lý “nhiệt tình khai hộ”
Đã từng làm luật sư cho một công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới có hoạt động kinh doanh tại VN, luật sư Lương Văn Trung, Công ty luật Lexcomm Vietnam LLC, phân tích: Theo luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đại lý BHNT phải đánh giá điều kiện kinh tế và nhu cầu của khách hàng để quyết định có mời họ mua bảo hiểm hay không và nên mua ở mức nào. Đại lý cũng phải giải thích đầy đủ các điều khoản của hợp đồng. Điều tối thiểu là đại lý phải nói rõ với khách hàng việc kê khai trung thực các vấn đề về sức khỏe và tiền sử bệnh. Nhưng trên thực tế, đây là điểm mà đại lý ít làm nhất và khách hàng lơ là nhất vì mục tiêu của họ là khách ký hợp đồng.
Vì vậy, các đại lý thường nhiệt tình hỗ trợ khách hàng kê khai và đều chọn “không” về tiền sử bệnh. Nhưng khi có vấn đề xảy ra, công ty bảo hiểm sẽ điều tra tiền sử bệnh của khách hàng và dễ dàng chứng minh khách hàng đã “lừa dối” hay “vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin”, từ đó có quyền từ chối bồi thường.
Câu chuyện về nghệ sĩ Lê Dung diễn ra cách nay hơn 10 năm khi công ty BHNT lúc đầu từ chối bảo hiểm vì đã vi phạm nguyên tắc tối quan trọng là cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác. Còn việc những NH vẫn ép khách hàng mua bảo hiểm khi cho vay một khoản tiền thì xét ở bất cứ khía cạnh nào, đó là hành động thiếu đạo đức. Mô hình Bancassurance (bán bảo hiểm qua NH) siêu lợi nhuận và đáng thèm muốn đối với cả công ty bảo hiểm và NH. Do đó, NH ép mua ngay cả khi khách hàng đã mua bảo hiểm rồi không khác gì phải mua thêm một đôi giày để mang cùng lúc với đôi giày khác. Với những khách hàng chưa có sản phẩm BHNT nhưng bị ép mua khi vay tiền, thì cũng là một hình thức tăng thêm lãi suất hoặc chi phí vay khi họ đang túng thiếu (mới đi vay). Khi khách hàng trả xong khoản nợ thì vẫn phải tiếp tục hợp đồng bảo hiểm nếu không muốn mất số tiền đã đóng, còn NH vẫn ung dung hưởng hoa hồng.
Do đó, luật sư Lương Văn Trung nhấn mạnh: “Trước khi mua BHNT, khách hàng chú ý yêu cầu in bản tính toán phí và quyền lợi hằng năm. Cần lưu ý giá trị hoàn lại theo năm để biết nếu mình chấm dứt hợp đồng hay không còn khả năng đóng phí thì mình sẽ được hoàn lại bao nhiêu tiền. Đồng thời lưu ý quyền chấm dứt hợp đồng trong vòng 14 – 21 ngày sau khi đóng khoản đầu tiên và được hoàn lại tiền sau khi trừ một số chi phí hành chính. Hơn nữa, cần xem kỹ các điều khoản về hạn chế, loại trừ trách nhiệm bồi thường”.
“Bảo hiểm là một sản phẩm tốt về khía cạnh kiểm soát rủi ro hay sự an toàn hoặc an tâm cho tương lai. Nhưng nó là một sản phẩm tài chính phức tạp, tinh vi mà sự thất bại chủ yếu nằm ở người mua thiếu hiểu biết, có thể do quá tin tưởng vào đại lý”, luật sư Lương Văn Trung chia sẻ.
Trong nhiều năm trở lại đây, tòa án các nơi nhận nhiều vụ xét xử tranh chấp đến hợp đồng bảo hiểm, nhất là BHNT. Kết quả, hầu hết khách hàng thua kiện, không nhận được tiền bồi thường. Thông thường các hợp đồng sẽ có thêm câu “Đã đọc và hiểu…” dù rằng nhiều khi không đọc, mà dù có đọc cũng không hiểu nên đây là điểm bất lợi cho khách hàng khi tranh chấp xảy ra. Đối với những hợp đồng chuyên ngành, từ ngữ khó hiểu như vậy, khách hàng nên thông qua luật sư để xem xét những điều khoản nào bất lợi hay không trước khi đặt bút ký.
Luật sư Trần Xoa (Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang)