9 tháng đầu năm 2021, Vietcombank và BIDV là 2 ngân hàng có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cao nhất hệ thống. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2022, thu nhập ở mảng kinh doanh này sụt giảm đã khiến thứ hạng của Vietcombank và BIDV lùi xuống, để lại vị trí “quán quân” và “á quân” thuộc về 2 nhà băng khác.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2022 của 28 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, 9 tháng đầu năm nay, các nhà băng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 45,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tại không ít nhà băng, thu nhập từ dịch vụ là nguồn thu lớn thứ hai, chỉ sau thu nhập từ hoạt động cho vay.
Có 12 nhà băng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt trên 1.000 tỷ. Trong đó, ngân hàng có lãi lớn nhất ở mảng kinh doanh này là Techcombank, với hơn 5.993 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nhà băng duy nhất trong danh sách có thu nhập từ dịch vụ trên 5.000 tỷ.
Theo báo cáo tài chính, dịch vụ thanh toán và hợp tác bảo hiểm đóng góp nhiều nhất cho thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của Techcombank. Cụ thể, lãi thuần từ hai hoạt động này lần lượt là gần 2.985 tỷ và hơn 1.066 tỷ đồng.
VPBank theo sau với 4.557 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hoạt động thanh toán ngân quỹ và kinh doanh bảo hiểm chiếm tỷ trọng hơn 50% thu nhập từ dịch vụ của nhà băng này.
Nhóm có lãi thuần từ dịch vụ trong khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng còn có Vietcombank (4.508 tỷ, giảm 10%), Sacombank (4.308 tỷ, tăng 82%), VietinBank (4.304 tỷ, tăng 13%), BIDV (4.218 tỷ, giảm 12%).
Trước đó, 9 tháng đầu năm 2021, Vietcombank và BIDV là 2 ngân hàng có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lớn nhất hệ thống. Tuy nhiên, do nguồn thu này sụt giảm trong 9 tháng đầu năm 2022 nên thứ hạng của 2 ngân hàng này đã lùi xuống, nhường vị trí “quán quân” và “á quân” cho Techcombank và VPBank.
Nguyên nhân lãi từ hoạt động dịch vụ của Vietcombank, BIDV sụt giảm có thể liên quan đến chính sách miễn phí toàn bộ dịch vụ trên ngân hàng số kể từ đầu năm 2022.
Ở nhóm có lãi thuần từ dịch vụ 1.000-4.000 tỷ đồng, MB đang dẫn đầu khi 9 tháng đầu năm ghi nhận con số trên 2.912 tỷ đồng (giảm 4%); ACB nối gót với 2.599 tỷ (tăng 21%); tiếp theo là VIB (2.349 tỷ đồng, tăng 31%), HDBank (2.137 tỷ đồng, tăng 80%), TPBank (1.876 tỷ, tăng 78%) và SeABank (1.090 tỷ, tăng 34%).
Còn lại trong danh sách là 16 ngân hàng có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ dưới 1.000 tỷ.
Về mặt tăng trưởng, có khoảng 22/28 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng thu nhập lãi thuần trên 10%. Trong đó, có 8 nhà băng tăng trên 50%. Đáng chú ý, có 2 ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu này mở rộng gấp đôi là VietABank (gấp 2,65 lần), PGBank (gấp 2,36 lần). VietABank tăng trưởng chủ yếu đến từ mở rộng hoạt động thanh toán. Còn PGBank việc kinh doanh thêm bảo hiểm là động lực chính giúp nâng lãi thuần từ dịch vụ lên cao hơn.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, trong nền kinh tế hiện đại, lượng người sử dụng các dịch vụ thông qua ngân hàng cũng sẽ tăng lên và sẽ không như nền kinh tế tiền mặt giai đoạn trước. Giữa bối cảnh đó, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung hơn vào việc phát triển mảng ngân hàng bán lẻ. Theo đó, tỷ trọng cho vay bán lẻ, thu nhập dịch vụ cũng sẽ cao hơn trong cơ cấu dư nợ và thu nhập của ngân hàng.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, Đại học Kinh tế TP.HCM, ngân hàng có thu nhập chính và thu nhập phụ. Trong đó, thu nhập chính chủ yếu đến từ hoạt động cho vay. Nếu ngân hàng muốn tăng nguồn thu chính thì phải được nâng room tín dụng. Bên cạnh đó, các nhà băng còn phải đảm bảo hệ số an toàn vốn, bắt buộc phải tăng vốn để đảm bảo an toàn. Điều này khiến cho lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) khó lòng được nâng lên.
“Từ đó, các nhà băng phải phát triển nguồn thu phụ. Trong đó, nguồn đem lại thu nhập nhiều nhất cho các ngân hàng là bảo hiểm nhân thọ. Hoa hồng cho việc bán bảo hiểm nhân thọ có thể lên đến trên 100%, bán 1.000 tỷ các ngân hàng có thể lãi 1.000 tỷ”, ông Đán nhận định.
Nguồn: Cafe F
Có thể bạn quan tâm: